Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

PHÁP LUẬT TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHỦ THỂ KINH DOANH BẢO HIỂM

Các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm; doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Đại lý bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm

Theo pháp luật hiện hành thì khái niệm “Doanh nghiệp bảo hiểm” được hiểu như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Với tư cách là doanh nghiệp, nó có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên doanh nghiệp bảo hiểm còn có đặc điểm đặc thù giúp chúng ta nhận biết nó với các loại doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác.
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm có hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là kinh doanh bảo hiểm, một lĩnh vực, ngành nghề đặc biệt. Tính chất đặc biệt của kinh doanh bảo hiểm thể hiện ở chỗ: Nó là loại dịch vụ tài chính đặc biệt,  là hoạt động kinh doanh trên những rủi ro. Sản phẩm của bảo hiểm là sản phẩm vô hình, nó là sự bảo đảm về mặt tài chính trước rủi ro cho người được bảo hiểm kèm theo là các dịch vụ có liên quan. Rủi ro là cơ sở của hoạt động bảo hiểm, là nguồn gốc phát sinh các hoạt động bảo hiểm. Để bảo vệ mình, người tham gia bảo hiểm nộp phí cho doanh nghiệp bảo hiểm, để đổi lấy lời hứa của doanh nghiệp bảo hiểm là sẽ trả tiền bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra. Như vậy ở đây chỉ có cam kết từ hai phía doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, trong đó người tham gia bảo hiểm phải cam kết nộp phí, còn doanh nghiệp bảo hiểm lúc đó trở thành con nợ của những người tham gia bảo hiểm, cam kết sẽ bồi thường hay trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Chu trình kinh doanh bảo hiểm là chu trình đảo ngược, tức là sản phẩm được bán ra trước, doanh thu được thực hiện, sau đó mới phát sinh chi phí. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhận phí bảo hiểm trước của người tham gia bảo hiểm đóng góp và thực hiện nghĩa vụ sau với bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thực tế. Đặc tính này tạo ra tính nhàn rỗi của nguồn vốn bảo hiểm trong những thời gian nhất định, nó cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng chúng để đầu tư sinh lời nhằm tăng khả năng tài chính cho bồi thường và trả tiền bảo hiểm và tăng thu nhập cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong thời gian bảo hiểm nếu không có rủi ro xảy ra, thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hay trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Ngược lại, xảy ra rủi ro, đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại thì bên mua bảo hiểm sẽ được bồi thường hay được trả tiền bảo hiểm. Như vậy quan hệ giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn vừa không mang tính bồi hoàn. Đặc điểm này đã tạo ra tiền đề khách quan cho tính thương mại của hoạt động bảo hiểm. Nghĩa là, khi không xảy ra rủi ro bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi hoàn và phí bảo hiểm sẽ tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp bảo hiểm. Khác với khả năng bồi hoàn của các khâu tài chính khác, bồi hoàn trong kinh doanh bảo hiểm có tính bất ngờ cả về thời gian, không gian cũng như quy mô. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng các quỹ dự phòng để bảo đảm các cam kết của mình trước những người tham gia bảo hiểm khi có các sự cố bảo hiểm xảy ra. Các quỹ này là nguồn quan trọng để tham gia đầu tư nhằm tăng khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tính an toàn, tính sinh lời, và tính thanh khoản của các khoản vốn đầu tư. Thông thường thì tính bồi thường tổn thất thực tế cho người được bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm thường rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với số phí bảo hiểm đã đóng. Vì thế, để đảm bảo và ổn định nguồn tài chính cho việc bù đắp tổn thất, trong hoạt động bảo hiểm phải áp dụng nguyên tắc lấy số đông bù số ít, tức là phải cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm cho nhiều loại khách hàng, trên nhiều vùng thị trường khác nhau… để lấy phí bảo hiểm đóng góp từ nhiều người nhằm bù đắp cho một số ít người gặp rủi ro. Trên thực tế, đối với những hợp đồng có giá trị lớn hoặc trường hợp có khả năng doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho nhiều người được bảo hiểm trong cùng một sự cố, để giảm bớt trách nhiệm tài chính đối với rủi ro bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm thường phải thực hiện nghiệp vụ tái bảo hiểm hoặc đồng bảo hiểm. Mặt khác, để giảm bớt chi phí bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường giám sát các biện pháp phòng ngừa hạn chế tổn thất bảo hiểm.  
Thứ hai, Doanh nghiệp bảo hiểm được tổ chức thành lập và hoạt động theo các qui định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các qui định khác của pháp luật. Xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được coi là một tổ chức kinh doanh ngành nghề đặc biệt, nên pháp luật phải có những qui định riêng áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm, đó là Luật kinh doanh bảo hiểm. Trong việc tổ chức thành lập và hoạt động của mình doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân theo Luật kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng các quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải tuân thủ theo các quy định khác của pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam – nếu như vấn đề nào đó Luật kinh doanh bảo hiểm không quy định, không điều chỉnh trực tiếp …Chẳng hạn doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước thì việc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp phải tuân theo các qui định trong Luật kinh doanh bảo hiểm đồng thời còn phải tuân thủ các quy định dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước trong các văn bản như Luật doanh nghiệp nhà nước …
Thứ ba, Doanh nghiệp bảo hiểm chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài Chính. Để quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao cho một cơ quan quản lý nhà nước nhất định. Một số nước ở Châu á như Singapore, Philipin, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm có tên gọi là Ủy ban giám sát bảo hiểm. Các nước khác như Anh, Nhật Bản, cơ quan này là một phòng trực thuộc vụ quản lý các ngân hàng.
Ở Việt Nam, công tác quản lý nhà nước về hoạt động bảo hiểm được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính thống nhất lãnh đạo và quản lý công tác bảo hiểm. Trước đây do tính độc quyền trong kinh doanh bảo hiểm, lúc đó Bộ tài chính đã giao cho Bảo Việt thực hiện hai chức năng quản lý và trực tiếp kinh doanh bảo hiểm. Sau khi đất nước ta chuyển đổi sang kinh tế thị trường thì để đáp ứng yêu cầu quản lý trong cơ chế kinh tế này, ngày 15 tháng 5 năm 1992 Bộ trưởng Bộ tài chính đã ra quyết định số 223TC/ QĐ- BTC thành lập phòng quản lý bảo hiểm trực thuộc vụ tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Như vậy, bằng qui định trên Bộ Tài Chính đã tách chức năng quản lý và chức năng kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt. Từ thời điểm đó cho đến nay Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Điều này đã được Luật kinh doanh bảo hiểm qui định cụ thể: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính Phủ thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm “(Khoản 2, Điều 121)
Đây là đặc điểm giúp ta phân biệt doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Bởi vì, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề khác chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước khác như các tổ chức tín dụng chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban chứng khoán nhà nước …


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét